TTO - Sáng 13-12, tại ĐH Sư phạm Đà Nẵng, GS.TS Trịnh Xuân Thuận đã có buổi giao lưu thú vị với gần 400 sinh viên, giảng viên
|
GS.TS Trịnh Xuân Thuận tại buổi giao lưu cùng gần 400 sinh viên, giảng viên yêu thích thiên văn học |
GS Thuận đã chia sẻ cùng những người yêu thích thiên văn học về cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của ông, từ một chàng trai Việt Nam vươn lên làm giáo sư thiên văn học tại những trường ĐH nổi tiếng của Mỹ, trở thành vị giáo sư nổi tiếng được cả thế giới biết đến.
“Lương của cha tôi lúc đó chỉ bằng một phần mười số học phí tôi phải trả khi theo học tại Thụy Sĩ. Tôi phải tìm học bổng để đến Mỹ theo học ở Trường ĐH Caltech mà mình hằng ước ao. Và để làm được điều đó tôi phải đi săn học bổng. Vào những mùa hè, tôi đi làm thêm, phụ việc cho các giáo sư để có tiền và có kinh nghiệm phục vụ việc học” - GS Thuận chia sẻ. Vốn được học ở trường Tây (học tiếng Pháp) ở Đà Lạt và Sài Gòn, GS Thuận đã tự học tiếng Anh để có thể theo học tại các trường ĐH của Mỹ.
Trò chuyện cùng các bạn sinh viên, GS Thuận tâm sự: “Thiên văn học có sức lôi cuốn quá lớn lao mà khi đã dấn thân thì người ta lại càng đam mê hơn. Sẽ khó cưỡng lại khi nhìn dải ngân hà qua kính thiên văn bởi vẻ đẹp tuyệt mỹ của nó”.
Cũng chính vì thế, khi 19 tuổi, việc may mắn được nhìn kính thiên văn lớn nhất, xa nhất thế giới đã là nguồn kích thích, động viên ông rất lớn để theo con đường thiên văn học.
|
GS TS Trịnh Xuân Thuận tại buổi giao lưu |
Vào những năm 1960, ông là một sinh viên Việt Nam hiếm hoi được theo học ở những trường học lớn tại Mỹ, trong đó có trường có đến hai giải Nobel. GS Thuận cho biết ông không bị sức ép bởi điều này. Trái lại, được học ở những ngôi trường này, ông đã được các giáo sư giỏi về vật lý, thiên văn học dạy cho mình cách nghĩ “phải làm gì để giỏi hơn giáo sư dạy mình”.
“Quan trọng của việc học là sáng tạo những gì chứ không phải làm theo những cái mà người trước đã làm ra”, GS Thuận nhìn nhận. Chính lối suy nghĩ này đã khiến ông từ bỏ một trường kỹ thuật để chuyển sang giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
GS Thuận cũng chia sẻ ngoài đam mê, ông còn vinh dự được học ở những trường ĐH danh tiếng mà ở đó số sinh viên rất ít, mỗi lớp học chỉ có 5-10 người, khoảng 200 sinh viên/năm học nhưng có tới 500 giáo sư giảng dạy.
Với thành tích học tập xuất sắc, ông đã được ba trường ĐH lớn tại Mỹ mời về giảng dạy. Những cống hiến không mệt mỏi dành cho khoa học đã mang về cho GS Thuận nhiều giải thưởng cao quý. Ông là người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng của UNESCO về phổ biến khoa học năm 2009. Ông còn được Viện Hàn lâm Pháp vinh danh năm 2007.
Ông cũng cho biết dù là giảng viên tại ĐH Virginia nhưng mỗi tuần ông chỉ phải dạy hai tiếng rưỡi, thời gian còn lại dành cho khảo cứu và viết sách. GS Thuận cho rằng đây là điểm khác biệt rất lớn so với Việt Nam.
ĐOÀN CƯỜNG
(Theo http://tuoitre.vn)