Adam Riess vừa giành Giải Nobel Vật lý cho sự khám phá ra sự dãn nở của vũ trụ đang tăng tốc, cùng với Brian Schmidt và Saul Perlmutter. Được đào tạo tại Viện Công nghệ Massachusetts và trường Đại học Harvard, Riess hiện đang làm việc tại trường Đại học Johns Hopkins và Viện Khoa học Kính thiên văn vũ trụ, ở Baltimore, Maryland.
Adam Riess - Giải Nobel Vật lý 2011
Xin chúc mừng ông. Ông đang ở đâu khi nghe tin đưa về giải thưởng?
Xin cảm ơn. Tôi ở nhà. Lúc đó là 5.30 sáng. Tôi đang cố ngủ thêm. Thằng con trai 10 tháng tuổi của tôi đêm hôm trước ngủ không yên cho lắm. Tôi đang hi vọng nó chịu ngủ trở lại thì nghe điện thoại reo.
Ông, Schmidt và Perlmutter đã tìm thấy kết quả gì?
Chúng tôi là hai đội nhà thiên văn quan sát những sao siêu mới ở gần và ở xa, và sử dụng chúng để suy luận ra lượng dãn nở của vũ trụ ở những thời điểm khác nhau trong lịch sử của nó. Chúng tôi xác định được rằng vũ trụ, trái với trông đợi, không đang chậm lại trong sự dãn nở của nó – mà thật sự đang nở ra ngày càng nhanh.
Ông có đang chờ giải thưởng Nobel không?
Thật khó cho bản thân tôi đánh giá công trình này trông như thế nào đối với một người ngoài cuộc. Ủy ban Nobel đã có thể khéo léo tách riêng nguyên nhân và hệ quả. Họ nhận ra sự quan sát sự tăng tốc của vũ trụ là cái mà giải Nobel nhắm tới; trong khi nguyên nhân của sự dãn nở đó có lẽ là năng lượng tối, nhưng cũng có thể là không phải. Đó là cái chúng ta vẫn chưa chắc chắn lắm. Giải Nobel không trao cho năng lượng tối.
Năng lượng tối được cho là năng lượng vốn có của không-thời gian, cái chúng ta vẫn chưa hiểu đầy đủ. Sẽ thật kì cục nếu nhận giải thưởng trao cho việc đã khám phá ra một bí ẩn…
Đúng là như vậy. Sự tăng tốc của vũ trụ là phát súng khai cuộc của cái gì đó. Nó có thể là năng lượng tối, nhưng cũng có những khả năng khác. Có thể là sự hấp dẫn ở những quy mô lớn hơn không hoạt động theo kiểu chúng ta nghĩ nữa. Cái rõ ràng nhất chúng ta có thể nói là sự dãn nở của vũ trụ đang tăng tốc và đó là một bất ngờ lớn.
Ông ở tại trường Đại học California, Berkeley, khi ông tiến hành công trình trên. Đội của Perlmutter lúc ấy cũng ở Berkeley. Có sự cạnh tranh nào giữa hai bên hay không, thưa ông?
Đó là một sự cạnh tranh đẹp. Hai bên chúng tôi đều biết rằng chúng tôi đang thu thập cùng loại dữ liệu và đó là cái đầu tiên thuộc loại như thế. Không bên nào muốn bị xếp hạng hai hoặc bỏ lại xa phía sau cả. Tôi gặp những ‘đối thủ’ đó hết lần này đến lần khác. Chúng tôi thậm chí còn có chút xã hội hóa nữa. Saul khá tử tế sắp xếp cho tôi một chỗ đỗ xe tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley [nơi ông vẫn đang làm việc]. Tôi thường tản bộ xuống đồi để đến chỗ làm tại trụ sở Berkeley [Đại học California].
Einstein từng có quan điểm rằng không-thời gian có một mật độ năng lượng nội tại không thay đổi theo thời gian, gọi là hằng số vũ trụ học – nhưng sau này đã gọi khái niệm này là “sai lầm lớn nhất” của ông. Công trình nghiên cứu của ông có phải là một sự xác minh cho Einstein hay không?
Đó là một sự thành công ấn tượng của thuyết tương đối tổng quát Einstein. Toàn bộ những thập kỉ sau này, khi chúng ta chứng kiến những hiện tượng rất kì lạ trong vũ trụ, chúng đều có thể được xem xét đầy đủ, thậm chí được trông đợi trong lí thuyết của ông.
Đã lâu rồi thiên văn học và các quan sát thiên văn thậm chí không được xét giải Nobel.
Đúng. Tôi có thể chắc chắn những khám phá tên tuổi từ quá khứ từ vũ trụ học là hoàn toàn xứng đáng cho giải Nobel: việc phát hiện ra sự dãn nở của vũ trụ hay quy mô của vũ trụ, và những quan sát cho thấy sự có mặt của vật chất tối, hay một loại lực hấp dẫn bổ sung nào đó. Đây là cơ sở cho kiến thức vật lí học của chúng ta.
Năm nay ông mới 41 tuổi. Ông có dự định gì cho những ngày sắp tới?
À, vẫn còn một giải văn chương trong tuần này, và giải kinh tế học nữa. Tôi chỉ là chú dê non thôi [cười]. Trước khi nghe nói tới giải Nobel, tôi đã có hai dự án hấp dẫn đang triển khai, và tôi sẽ tiếp tục làm việc với chúng. Chúng là những việc liên quan đến Kính thiên văn vũ trụ Hubble và cách chúng ta đo những khoảng cách ở một cự li gần hơn.
Theo New Scientist
(Nguồn http://360.thuvienvatly.com)